Được sử dụng đã lâu trong ngành y cũng như các ngành lao động hóa chất, bụi bẩn độc hại, tuy nhiên gần đây, khi mà đại dịch bùng phát thì khẩu trang y tế mới được quan tâm và sử dụng nhiều đến vậy. Lịch sử phát triển của khẩu trang y tế cũng rất thú vị. Và nếu bạn tò mò khẩu trang y tế có nguồn gốc như thế nào, ai là người đã phát minh ra khẩu trang y tế? Mời bạn theo dõi bài viết sau đây.
Lịch sử ra đời và phát triển của khẩu trang y tế
Khó có thể nói chính xác thời điểm hay khẳng định ai là người đã phát minh ra khẩu trang y tế, nhưng lịch sử cho thấy những bằng chứng về việc mặt nạ che mặt – có tác dụng tương tự khẩu trang y tế ngày nay, đã xuất hiện từ rất lâu đời, qua các mốc thời gian đáng chú ý như sau.
Từ 2000 năm trước
Con người đã ý thức việc che mặt để bảo vệ đường hô hấp. Nhà triết học người La Mã Pliny the Elder (năm 23 – 79 Sau Công Nguyên) đã sử dụng da bàng quang của động vật để làm mặt nạ lọc bụi, bên cạnh đó nghiền nát chu sa hoặc thủy ngân sunfua – một khoáng chất độc hại được sử dụng vào thời điểm đó, để tạo sắc tố cho mặt nạ che mặt.
Ở Trung Quốc, người ta tìm được bằng chứng về những chiếc khăn che mặt tương tự có niên đại từ thế kỷ 13 của triều đại nhà Nguyên. Trong cuốn du ký của nhà thám hiểm người Ý Marco Polo (1254 – 1324), ông đã mô tả việc đoàn tùy tùng và những người hầu cận với hoàng đế Trung Quốc thường đeo khăn lụa để che miệng và mũi nhằm ngăn hơi thở của họ làm ô nhiễm đến thức ăn của hoàng đế.
Vào đầu thế kỷ 14 cho đến thế kỷ 17
Trận dịch hạch lớn nhất trong lịch sử châu Âu – Cái chết Đen đã thúc đẩy việc sử dụng phổ biến một loại mặt nạ che mặt hình mỏ chim được phát minh bởi bác sĩ người Pháp Charles de Lorme. Chiếc mặt nạ trông có phần đáng sợ và cũng là nỗi ám ảnh của người dân châu Âu một thời này có thể bao phủ toàn bộ khuôn mặt, với phần mắt được che chắn bởi kính và phần mỏ chim chứa đầy thảo mộc như bạc hà và long não được cho là có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh.
Mặt nạ mỏ chim của các bác sĩ dịch hạch vào thế kỷ 14 – 17
Một bằng chứng khác của việc sử dụng “khẩu trang” từ rất sớm là Leonardo da Vinci (1452 – 1519). Thiên tài sống ở thời kỳ Phục Hưng này đã ngâm vải vào nước rồi đắp lên mặt để ngăn các hóa chất độc hại từ sơn và thạch cao xâm nhập vào phổi. Đây cũng là phương pháp hiệu quả được khuyến khích sử dụng cho đến ngày nay đối với những người gặp phải tai nạn cháy nhà, nhằm bảo vệ phổi của họ khỏi các tác động của việc hít phải khói độc hại.
Năm 1861
Louis Pasteur phát hiện ra sự hiện diện của vi khuẩn trong không khí, khiến mọi người nhận thức được sự nguy hiểm của việc hít thở phải các mầm bệnh có hại. Điều này đã có tác động đáng kể khi các bác sĩ ở thời điểm đó đã kê đơn khẩu trang bằng vải cotton nhằm hạn chế lây nhiễm khi có dịch. Bên cạnh đó, rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ, cũng đã bắt đầu sử dụng khẩu trang khi ra đường để tránh hít phải bụi bẩn.
Năm 1905
Bác sĩ Alice Hamilton ở Chicago đã công bố một nghiên cứu về số lượng vi khuẩn liên cầu được thải ra ngoài khi bệnh nhân ban đỏ ho hoặc khóc. Các khuyến nghị của Alice Hamilton đã dẫn đến việc sử dụng rộng rãi khẩu trang bảo hộ cho bác sĩ phẫu thuật và y tá.
Các khuyến nghị của Alice Hamilton dẫn đến việc sử dụng rộng rãi khẩu trang bảo hộ cho bác sĩ phẫu thuật và y tá vào năm 1905
Trong đại dịch cúm toàn cầu năm 1918, cả ngành y tế và công chúng đều đã sử dụng khẩu trang y tế để bảo vệ cơ thể khỏi virus. Lúc này đây, vai trò của khẩu trang y tế đã trở nên phổ biến hơn.
Vào những năm 1970
Khẩu trang N95 đầu tiên đã được 3M tạo ra bằng quy trình thổi nóng chảy để tạo ra lớp vải kháng khuẩn. Ban đầu, khẩu trang N95 được thiết kế để sử dụng trong ngành công nghiệp. Sau đó, chúng đã trở thành một tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe theo công nghệ ngăn chặn virus được phát triển bởi Peter Tsai tại Đại học Tennessee.
Tuy nhiên, thời điểm quan trọng nhất của khẩu trang y tế có lẽ là vào những năm đầu của thế kỷ 20, khi một chuyên gia y tế công cộng từ Malaya là Wu Lien-teh đã phát triển một chiếc mặt nạ từ nhiều lớp gạc bọc trong bông, có dây buộc để có thể đeo lên tai, trong khi ông đang nghiên cứu sự phát triển của bệnh dịch hạch bùng phát ở miền Bắc Trung Quốc. Đây chính là nguyên mẫu của những chiếc khẩu trang y tế được sử dụng ngày nay, và Wu Lien-teh cũng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập đến người phát minh ra khẩu trang y tế.
Mặt nạ từ nhiều lớp gạc và có quai đeo của bác sĩ Wu Lien-teh
Lời kết
Ngày nay, đại dịch COVID-19 đã khiến cho khẩu trang y tế một lần nữa được sử dụng rộng rãi, và vai trò của khẩu trang y tế một lần nữa được nhấn mạnh trong việc bảo vệ đường hô hấp và phổi của chúng ta khỏi sự xâm nhập của virus và bụi bẩn.
Rất nhiều biến thể của khẩu trang y tế đã ra đời với nhiều lớp lọc hơn, nhiều kiểu dáng, chất liệu hơn nhằm tăng hiệu quả bảo vệ cũng như tăng cường tính thẩm mỹ và thoải mái cho người đeo.
Hy vọng những thông tin thú vị trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về khẩu trang y tế, và nếu bạn có nhu cầu, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi bất kỳ lúc nào để được tư vấn về các sản phẩm khẩu trang y tế chất lượng nhé!